Du lịch Hà Nội, đứng trước cơ hội và thách thức lớn
Ngồi lại và nhìn nhận thực tế, vì sao các du khách đến Hà Nội chỉ 1 lần duy nhất và lần sau không trở lại. Có quá nhiều lý giải cho vấn đề này, cơ bản phải kể đến những yếu kém, không chịu đầu tư, đổi mới cho ngành du lịch thủ đô
Du lịch Hà Nội vừa đạt kỳ tích đón ba triệu khách quốc tế trong năm 2014. Ngành du lịch đem lại việc làm cho hàng chục nghìn lao động cũng như nguồn doanh thu lớn. Mặc dù vậy, du lịch Hà Nội vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Với việc có một cơ quan quản lý nhà nước chuyên trách về lĩnh vực này đi vào hoạt động, ngành du lịch Hà Nội có cơ hội phát triển bền vững hơn, tăng tính hấp dẫn, đồng thời, khắc phục những hạn chế đang gặp phải.

Trong bức tranh chung của ngành du lịch Việt Nam năm 2015, du lịch Hà Nội là một điểm sáng. Từ đầu năm đến nay, cả nước đón hơn 5 triệu lượt khách quốc tế, giảm 7,5% so cùng kỳ năm 2014. Nhưng trong bối cảnh ấy, du lịch Hà Nội vẫn giữ được mức tăng trưởng tốt, khách quốc tế đến Hà Nội đạt xấp xỉ 2,3 triệu lượt người, tăng 14% so cùng kỳ năm ngoái. Với tốc độ tăng trưởng hiện nay, nhiều khả năng năm nay Hà Nội sẽ đón hơn ba triệu lượt khách - kỷ lục được thiết lập vào năm 2014 (năm 2011, khách du lịch đến với Hà Nội mới gần được 1,9 triệu lượt). Năm 2015, Hà Nội tiếp tục nhận được đánh giá tích cực từ các diễn đàn, các trang mạng du lịch danh tiếng trên thế giới. Trong đó, Tạp chí Trip Advisor đánh giá Hà Nội là điểm đến hấp dẫn thứ tư trên thế giới. Nhiều tạp chí khác cũng đưa Thủ đô của Việt Nam là một trong những thành phố “nên đến trong cuộc đời”.

Những thành quả nêu trên là sự nỗ lực không ngừng của ngành du lịch cũng như các ngành liên quan. Trong những tiềm năng vốn có, Hà Nội luôn xác định du lịch văn hóa là một thế mạnh. Những điểm đến chính như: khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, làng cổ Đường Lâm, làng gốm Bát Tràng, Khu Phố cổ… từng bước được đầu tư bài bản, đưa vào khai thác trong các tua du lịch di sản. Trong đó, nổi bật nhất là việc mở rộng không gian đi bộ trong Khu Phố cổ, tại sáu tuyến phố mới gồm: Hàng Buồm, Mã Mây, Hàng Giầy, Lương Ngọc Quyến, Tạ Hiện, Đào Duy Từ vào cuối năm 2014. Hoạt động của sáu tuyến phố này thật sự hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước. Ngoài sự hấp dẫn về kiến trúc, ẩm thực, điểm nhấn của những tuyến phố đi bộ còn là việc biểu diễn các loại hình nghệ thuật truyền thống. Theo thống kê của Ban quản lý phố cổ Hà Nội, trong nửa đầu năm 2015, lượng khách du lịch nước ngoài đến với khu vực này tăng hơn 20 nghìn lượt người so cùng kỳ năm 2014. Khách du lịch trong nước và quốc tế đến với các tuyến phố đi bộ tăng mạnh, cho nên mới đây, quận Hoàn Kiếm đã quyết định tăng thời gian hoạt động lên bốn buổi tối/tuần. Đối với du lịch làng nghề, dịp kỷ niệm 60 năm Ngày giải phóng Thủ đô, thành phố đã tổ chức Liên hoan Du lịch làng nghề, tạo cơ hội quảng bá sản phẩm làng nghề, tạo "sân chơi" để khối doanh nghiệp lữ hành liên kết chặt chẽ hơn với các doanh nghiệp tại làng nghề. Thành phố đã lựa chọn những làng nghề trọng điểm như: mây tre đan Phú Vinh, mỹ nghệ Sơn Đồng, gốm sứ Bát Tràng-Kim Lan, dệt lụa Vạn Phúc, sơn khảm Ngọ Hạ để ưu tiên đầu tư. Hạ tầng dành cho du lịch MICE (du lịch hội nghị) được cải thiện...

Tuy nhiên, sự phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng du lịch Thủ đô. Bên cạnh tiềm năng về du lịch di sản, với nhiều di sản được UNESCO công nhận (Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Lễ hội Gióng…), Hà Nội còn có lợi thế về du lịch nghỉ dưỡng với vùng cảnh quan sinh thái đa dạng ở khu vực Ba Vì như: Ao Vua, Khoang Xanh, Thiên Sơn - Suối Ngà..., nhưng các tua, tuyến du lịch của thành phố ở khu vực này còn đơn điệu, chưa giữ chân được khách du lịch. Mặt khác, Hà Nội vẫn chưa thật sự xây dựng được môi trường du lịch thân thiện, khi vẫn còn hiện tượng bắt chẹt giá khách du lịch, môi trường ở nhiều làng nghề, di tích còn ô nhiễm. Một trong những nguyên nhân được nhiều chuyên gia chỉ ra là Hà Nội thiếu một cơ quan quản lý nhà nước chuyên trách để xử lý các vấn đề đặt ra trong phát triển du lịch. Bộ phận quản lý nhà nước về du lịch là một bộ phận nằm trong Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, với một Phó Giám đốc chuyên trách và hai phòng ban. Bộ phận này được các chuyên gia đánh giá là chưa tương xứng với việc “quản” một ngành kinh tế có tổng doanh thu lên tới 48 nghìn tỷ đồng; với tổng số 3.209 cơ sở lưu trú, 1.500 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh lữ hành, trong đó 600 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế. Bên cạnh đó, việc xử lý một số vấn đề phát sinh đối với quản lý du lịch chưa bắt kịp yêu cầu; việc phối hợp các cơ quan khác chưa nhịp nhàng, linh hoạt, trong khi du lịch là hoạt động kinh tế đa ngành.

Để đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tháng 7-2015, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết thành lập Sở Du lịch. Nhiệm vụ của Sở Du lịch Hà Nội là tham mưu, giúp UBND thành phố thực hiện công tác quản lý du lịch; tham mưu các kế hoạch, chương trình phát triển du lịch; thực hiện các biện pháp bảo vệ, tôn tạo, sử dụng hợp lý tài nguyên du lịch; phối hợp quản lý các doanh nghiệp lữ hành; phòng, chống, ngăn chặn các hoạt động vi phạm pháp luật về du lịch… trên địa bàn. Tại lễ công bố quyết định thành lập Sở Du lịch Hà Nội sáng 21-9, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã nhấn mạnh: "Việc thành lập Sở Du lịch Hà Nội nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội của thành phố, phát triển du lịch tương xứng với tiềm năng của Thủ đô. Trong thời gian tới, ngành du lịch cần chú trọng hai nhiệm vụ quan trọng: Thứ nhất là huy động các nguồn lực đầu tư, khai thác tốt những sản phẩm du lịch sẵn có, đồng thời, phát triển thêm những sản phẩm du lịch mới hấp dẫn, có tính cạnh tranh, chú trọng khai thác có chiều sâu. Thứ hai là đào tạo bài bản đội ngũ nhân lực làm công tác du lịch, xây dựng một môi trường thật sự thân thiện để phục vụ khách du lịch trong nước, quốc tế. Từ đó, biến du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô".

Warning about chemical contamination food, fruit in Vietnam , 5 REASONS to visit Hanoi in autumn