Giới thiệu địa điểm du lịch nổi bật ở Đăk Nông

1. Vườn Quốc Gia Tà Đùng


Vườn quốc gia Tà Đùng được hình thành trên cơ sở chuyển hạng từ Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng theo Quyết định số 185/QĐ-TTg ngày 08/02/2018 của Thủ Tướng Chính phủ. Với tổng diện tích tự nhiên hơn 20.000ha.

Vườn quốc gia Tà Đùng nằm trong khu vực Tây Nguyên, là nơi có đặc trưng bởi kiểu rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới núi thấp, đây là các mẫu chuẩn hệ sinh thái rừng nguyên sinh hiếm có của vùng Cao nguyên. Có giá trị đa dạng sinh học cao với 1.406 loài thực vật bậc cao trong đó có 89 loài có nguy cơ bị tuyệt chủng, có 69 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam (2007), 27 loài có tên trong Danh lục đỏ IUCN. Hệ động vật có 574 loài thuộc 38 bộ, 124 họ trong đó có 37 loài thuộc diện quý hiếm cần bảo vệ, 34 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam (2007), 37 loài có tên trong Danh lục đỏ IUCN và 3 loài thú đặc hữu cho Việt Nam.

Xem thêm : Túi đeo chéo vải thổ cẩm Maison Chance

Tà Đùng được xác định là địa điểm bảo tồn quan trọng thuộc khu vực bảo tồn cảnh quan lưu vực sông Đồng Nai, khu vực bảo tồn cảnh quan Nam Trường Sơn và là một phần của khu vực chim đặc hữu cao nguyên Đà Lạt – một trong bốn vùng chim đặc hữu của Việt Nam và một trong 222 vùng chim đặc hữu trên toàn thế giới."

Vườn quốc gia Tà Đùng được đánh giá là điểm đến hấp dẫn, lý tưởng cho khách du lịch, đặc biệt là những vị khách yêu thiên nhiên. Với khí hậu trong lành, mát mẻ, nhiều nét văn hóa đặc trưng, nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ như: Thác Granite (Là một trong những điểm thuộc Di sản công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông); thác mặt trời, suối Đắk Rteng, Đắk Plao...

Những du khách yêu thiên nhiên, ưa mạo hiểm có thể chinh phục đỉnh Tà Đùng - điểm cao nhất trong dãy núi thuộc Vườn quốc gia Tà Đùng, độ cao 1.982m so với mực nước biển với đặc trưng là nơi phân bố của loài Chè cổ thụ.

Vùng đệm Vườn quốc gia còn là nơi sinh sống của gần 40 dân tộc với nhiều nét văn hóa truyền thống đặc trưng còn lưu giữ như các Nghề thủ công truyền thống (Dệt thổ cẩm, Đan lát); Các nghi lễ nông nghiệp đặc trưng (Cúng phát rẫy, cúng đốt rẫy, cúng lúa trổ đòng, cúng sắp gieo lúa, cúng lúa về nhà…), trong đó thuật cồng chiêng đã được tổ chức UNESSCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại; Các món ăn đặc sản truyền thống (Canh thục, lá nhíp, lá bứa, đọt mây…).

Bên cạnh đó các dân tộc di cư phía Bắc vào cũng mang theo nhiều nét văn hóa độc đáo (Thổi khèn; trang phục truyền thống của người Mông; các món ăn thắng cố, gà Mông…), vì vậy có thể nói đến với Tà Đùng du khách có thể bắt gặp một “Tây Bắc” trong lòng “Tây Nguyên”.

2. Hồ Ea Snô



Hồ Ea Snô gắn với truyền thuyết của người dân tộc bản địa sinh sống trong khu vực, thể hiện cả giá trị truyền thống của người dân bản địa về hậu quả của việc kết hôn cận huyết. Theo truyền thuyết của người Mnông, nơi đây xưa kia là một bon làng với đông đúc cư dân sinh sống, nhưng hai anh em ruột M’Po và N’Chông vì vô tình kết hôn cận huyết, nên đã bị thần linh trừng trị và biến nơi này thành một vùng nước mênh mông. Sau này hồ được người dân bản địa gọi là hồ Ea Snô (Tức là hồ vợ chồng).

Cảnh quan của hồ như một bức tranh sông nước hữu tình được bao phủ bởi một hệ thống thực vật phong phú, đa dạng, làm tăng thêm sức hút để níu chân du khách. Đến đây, ngoài việc khám phá những nét văn hóa Mnông độc đáo, du khách còn được trải nghiệm các hoạt động thú vị như: Chèo thuyền, câu cá, check-in.

Đây là điểm nghỉ dưỡng mà bạn không nên bỏ lỡ trong chuyến hành trình khám phá vùng đất Tây Nguyên nói chung và Đắk Nông nói riêng.



3. Hồ Tây Đăk Mil



Nằm cách thành phố Gia Nghĩa 68km, với diện tích mặt thoáng là 108ha và nơi sâu nhất đạt 17m. Hồ Tây Đắk Mil là hồ nước đẹp bậc nhất thị trấn Đắk Mil, khung cảnh ở hồ Tây Đắk Mil vừa đẹp lãng mạn, lại có chút gì đó hoang sơ dù nằm giữa phố thị. Nhìn từ xa hồ nước này được chia thành hai nhánh, ôm quanh đồi cà phê xanh mướt. Những con đường uốn lượn hay những hàng cây lao xao quanh hồ cũng góp phần tạo nên vẻ đẹp thơ mộng của hồ. Đến với hồ Tây Đắk Mil, du khách có thể trải nghiệm nhiều trò chơi thú vị như đạp xe dạo quanh hồ ngắm cảnh Hồ Tây, dạo bộ hoa viên Hồ Tây, cưỡi cano hoặc ngồ trên những chú thiên nga ngắm cảnh... Cùng với đó, hãy ghé thăm di tích lịch sử Ngục Đăk Mil, chùa Hoa Nghiêm hay đến các nhà vườn, homestay Lá, hàng quán quanh hồ để tận hưởng không khí trong lành và thưởng thức những món đặc sản hấp dẫn của Đắk Nông và các loại trá cây đặc sản như xoài, sầu riêng, bơ Hàng năm cứ đến rằm tháng Giêng và rằm tháng Bảy, tại Hồ Tây Đắk Mil diễn ra lễ hội hoa đăng cầu quốc thái dân an. Mỗi năm, Phật tử và khách thập phương về dự lễ ngày càng đông hơn. Người dân kéo về bên bờ Hồ Tây để thưởng thức một lễ hội văn hoá và cùng nhau cầu nguyện cho đất nước thái bình, nhân dân ấm no, gia đình hạnh phúc...

Tìm hiểu thêm : Thu nhoi bong hinh con Cho Maison Chance


4. Thác Năm Tầng



Nằm tại xã Đắk Sin, huyện Đắk’lấp, tỉnh Đắk Nông, thác Năm Tầng được nhiều người biết đến với vẻ đẹp đầy bí ẩn và hùng vỹ của núi rừng Tây Nguyên. Thác Năm Tầng hay còn gọi là thác Đắk Sin thuộc địa phận xã Đắk Sin, giáp ranh với xã Hưng Bình (Huyện Đắk R’lấp). Từ mốc lộ giới số 208, trên đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14), xã Kiến Thành (Đắk R’lấp) đi thẳng vào khoảng 20km là đến điểm đầu của thác. Dòng thác hùng vĩ, hoang sơ và đẹp mê hồn trải dài trên chiều dài khoảng 3km, dàn thành 5 tầng bậc nên được gọi là thác 5 tầng. Du khách có thể đi ô tô hoặc xe gắn máy đến tận nơi; hoặc có thể kết hợp đi xe rồi đi bộ và leo núi men theo đường từ thôn 6 xã Hưng Bình để đến thác. Tại đây, du khách có thể thả mình vào dòng nước mát lạnh, ngắm các dòng thác nước đổ ào ào hay ngồi thiền tĩnh ở cuối dòng thác trong không khí trong lành. Thác Năm tầng đã và đang là điểm đến ưa thích của nhiều du khách, nhất là bạn trẻ và các nhóm phượt trong và ngoài tỉnh. Vào mùa du lịch, tại khu vực thác này đã có rất nhiều khách tham quan và hào hứng với cảnh quan thiên nhiên độc và lạ nơi đây. Người dân ở đây gọi thác Năm Tầng do thác chia năm tầng nước đổ xuống mát lạnh, hoang sơ. Đến với thác Năm Tầng, du khách sẽ được hòa mình vào làn nước trong lành, xoá tan những căng thẳng nơi thị thành.



5. Thác Đăk Buk So



Dòng thác Đắk Buk So hiền hòa bắt nguồn từ khu vực hồ Thôn 2, xã Đắk Buk So, hòa cùng nguồn nước từ các khe suối khác chảy qua thung lũng xen trong những ngọn đồi. Nằm giữa khung cảnh thiên nhiên mát mẻ và còn hoang sơ trong vùng không gian văn hóa độc đáo, thác Đắk Buk So là địa điểm tiềm năng để khai thác và phát triển loại hình du lịch sinh thái - du lịch cộng đồng của huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông.

Điểm đặc biệt để thác Đắk Buk So trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn du khách là vùng không gian văn hóa đặc sắc nơi thác tọa lạc. Nằm gần địa giới của 02 bon là: Bu Boon và Bu N’drung xã Đắk Buk So với 95% dân số là người dân tộc thiểu số sinh sống, chủ yếu là dân tộc Mnông - dân tộc còn lưu giữ những bộ sử thi, truyền thuyết và tập tục độc đáo mà du khách đều muốn khám phá. Những nghệ nhân âm nhạc dân gian nơi đây còn có thể chế tác và sử dụng các loại nhạc cụ dân tộc mà từ lâu đã là niềm tự hào của đất và người Tây Nguyên như các bộ cồng chiêng, đàn đá.

Để rồi, cứ mỗi độ tết đến, xuân về hay trong những lễ hội độc đáo còn nguyên chất dân gian của bon làng như: lễ cúng đốt rẫy, lễ xuống hạt và lễ mừng cơm mới, lễ đem rơm về nhà… cả bon làng lại quây quần bên ché rượu cần, cầm tay nhau nhảy múa quanh đống lửa bập bùng theo nhịp cồng chiêng rộn ràng và thưởng thức những món ngon đặc sản của núi rừng. Đến Đắk Nông và được hòa mình trong bầu không khí ấm áp của những lễ hội này, sẽ đọng lại khoảnh khắc khó phai trong lòng du khách dù chỉ một lần ghé thăm.



6. Thác Liêng Nung

Thác nằm ở bon N’Jriêng, xã Đắk Nia, thành phố Gia Nghĩa, cách trung tâm thành phố Gia Nghĩa chỉ khoảng 09km theo hướng Quốc lộ 28, du khách sẽ được đặt chân đến khu vực thác Liêng Nung. Là một điểm đến thuộc Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, thác có cấu tạo rất đặc biệt, vách đá cao 30m trên một cái vòm hang lớn, nhô ra nơi dòng nước đổ xuống suối Đăk Nia bên dưới, trần vòm hang là những khối đá lục giác xếp liền kề nhau, trong hang thảm thực vật sống động, bắt mắt tạo nên không gian huyền ảo. Từ độ cao khoảng 35m dòng nước đổ xuống mạnh mẽ, mang theo luồng không khí đầy bụi nước mát lạnh, tạo nên dòng thác hùng vỹ, trắng xóa. Xung quanh thác là cảnh quan thiên nhiên hoang dã với rừng cây nguyên sinh với nhiều cây cổ thụ tỏa bóng mát, đặc biệt xung quanh thác là nơi sinh sống của các bon của đồng bào dân tộc thiểu số bản địa Mnông và Mạ. Thác Liêng Nung là một trong những cảnh quan kỳ thú và hấp dẫn của tỉnh Đắk Nông được quy hoạch thành khu du lịch sinh thái với diện tích rộng hơn 84ha.

Đã từ lâu, không gian thác Liêng Nung đã trở thành điểm thu hút nhiều du khách gần xa đến tham quan, trải nghiệm và cũng là địa điểm tổ chức nhiều lễ hội truyền thống của đồng bào nơi đây.



7. Thác Đá Granite



Là điểm đến số 43 thuộc tuyến du lịch “Âm vang từ Trái đất” của Công viên địa chất toàn cầu (CVĐCTC) UNESCO Đắk Nông, thác đá granite lặng lẽ nằm ẩn mình giữa những tán rừng xanh ngát của Vườn Quốc gia Tà Đùng ở xã Đắk Som, huyện Đắk G’long. Nơi đây cách thành phố Gia Nghĩa khoảng 55km, dọc theo quốc lộ 28 theo hướng đi tỉnh Lâm Đồng. Khác với cấu tạo đá bazan và trầm tích đặc trưng của cao nguyên Mnông, loại đá granite được tìm thấy nơi đây là kết quả của quá trình vận động phức tạp, kiến tạo hàng triệu năm của hệ thống CVĐCTC UNESCO Đắk Nông. Dòng suối chảy uốn lượn trong lòng đại ngàn, để rồi sau đó phủ trên những phiến đá granite to lớn, tạo nên một dòng thác với khung cảnh tuyệt đẹp và trong lành. Lòng thác đá granite có diện tích khá rộng với những tảng đá to xếp chồng lên nhau tạo nên những vết tích cổ xưa và hầu như vẫn còn nguyên vẹn, tạo nên những nét huyền ảo, kì bí, rất thích hợp cho những du khách ưa khám phá, mạo hiểm. Cạnh thác có chòi quan sát, là nơi du khách có thể nghỉ chân để chiêm ngưỡng toàn cảnh vẻ đẹp của thác. Bên cạnh đó, du khách còn có thể thỏa sức vui đùa bên dòng suối mát rượi để tận hưởng những giây phút thư thái với không gian yên bình, thoáng đãng của nơi đây. Thác đá granite còn được cư dân bản địa đặt cho một tên gọi khác là Thác Trượt vì độ trơn nhẵn của những phiến đá. Hàng năm, thác nước là nơi linh thiêng để cộng đồng người Mạ tổ chức các lễ hội quan trọng như: Lễ cúng thần rừng, lễ cúng bến nước... cầu mong các Yang (Thần) ban cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi và những điều tốt đẹp đến với bon làng.

8. Thác Trinh Nữ



Cách thị trấn Ea T’Ling, huyện Cư Jút khoảng 3km, không ồn ào và hùng vĩ như những dòng thác khác quanh lưu vực sông Sêrêpốk, thác Trinh Nữ hiền hòa nép mình, uốn lượn như một dải lụa trắng tinh khôi trên màu đất đỏ bazan của cao nguyên Mnông. Là điểm đến số 16 thuộc Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, Thác Trinh Nữ còn có một tên khác theo tiếng của người địa phương là Thác Băng Rup. Tương truyền rằng cái tên “Trinh Nữ” được bắt nguồn từ một câu chuyệnn dân gian kể về tình yêu của một thiếu nữ bản địa, vì tình yêu trắc trở, đã gieo mình xuống dòng nước để giữ trọn tình yêu. Cảm động trước hành động của cô gái, người dân trong vùng đã đặt tên thác là “Trinh Nữ”. Thác Trinh Nữ có dòng chảy không cao, nhưng rộng với rất nhiều những tảng đá bazan dạng cột to lớn màu đen có tuổi địa chất từ 2 đến 5 triệu năm giữa lòng dòng chảy và nhô ra từ hai bên bờ. Đến Đắk Nông vào mùa khô, nếu là người ưa thích sự yên bình, du khách hãy đến Thác Trinh Nữ để lắng nghe tiếng róc rách, êm ả của dòng thác, tản bộ trên những bãi đá cổ xưa, ngắm nhìn những căn chòi lá bên dòng chảy hiền hòa, tất cả như còn mang nguyên nét hoang sơ, mộc mạc của núi rừng Tây Nguyên.



9. Thác Lưu Ly



Khi nhắc đến Đắk Nông, bên cạnh giá trị độc đáo của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, nơi đây còn có hệ thống thác hùng vĩ hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, trong số đó nổi bật có Thác Lưu Ly, thuộc Khu du lịch văn hóa lịch sử Nâm Nung tại xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song. Thác Lưu Ly cách trung tâm thành phố Gia Nghĩa khoảng 35km, cách Quốc lộ 14 khoảng 10 km, là điểm dừng chân lý tưởng cho du khách trong hành trình khám phá tỉnh Đắk Nông. Không ồn ào như những thác nước khác, khi đến với Thác Lưu Ly du khách sẽ được hòa mình vào không gian tĩnh lặng của núi rừng Tây nguyên với những tán cây cổ thụ xanh mướt bên dòng thác trắng xóa với độ cao khoảng 25m. Được ví như mái tóc mượt mà của cô gái đang tuổi xuân thì buông xõa xuống giữa đại ngàn, dòng thác Lưu Ly bắt nguồn từ dãy núi Nâm Nung, chảy nhẹ nhàng và uốn lượn theo những dòng suối đã tạo thành một bức tranh sơn thủy ấn tượng, dưới chân thác là một hồ nước lớn, trong suốt và một bãi đá rộng để du khách thỏa thích vui đùa trong làn nước mát, cũng như chụp ảnh check-in với view toàn cảnh thác. Khi đến đây du khách sẽ được hòa mình vào không gian bình yên thoải mái, đắm chìm trong vẻ đẹp trong trẻo của đại ngàn Tây Nguyên.



10. Hang Động Núi Lửa Chư Bluk



Núi lửa Chư Bluk nằm ở huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông, là cụm hang động núi lửa dài nhất Việt Nam. Hệ thống hơn 100 hang động lớn nhỏ được tạo thành nhờ dòng chảy nham thạch cách đây hàng triệu năm, ẩn mình trong lớp đá bazan.

Sau 7 năm nghiên cứu, các nhà khoa học Nhật Bản đã khám phá ra một hệ thống hang động núi lửa dài nhất Đông Nam Á ở tỉnh Đắk Nông. Hang dài 25km từ miệng núi lửa buôn Choar dọc theo chiều dài sông Sêrêpôk đến khu vực thác Đray Sáp. Trong lòng các hang C7, C3, A1 có nhiều kiến tạo địa chất nguyên sơ. Hang có nhiều loài vật sinh sống. Đây là địa điểm nguy hiểm, thích hợp cho những bạn yêu thích khám phá.

Đứng từ xa có thể dễ dàng nhận ra hang Chư Bluk đang nằm giữa một vùng đồi rộng, tuy nhiên việc tiếp cận cửa hang không hề dễ dàng vì bạn phải vượt qua đồi dốc đá bazan, lối đi bị nhiều cây lớn chắn và muốn được an toàn bạn cần có sự trợ giúp, hướng dẫn của cư dân địa phương. Nhưng mọi nỗ lực bạn bỏ ra để đến với hang động là hoàn toàn xứng đáng, hang Chư Bluk chào đón du khách bởi sự kỳ vĩ đến từ những tảng đá tổ ong khổng lồ, nền đất bên dưới được phủ xanh bởi nhiều loại cây rừng và rêu phong làm nên nét bí ẩn, hoang dã cho Chư Bluk.

Càng đi vào bên trong Chư Bluk thì càng thấy rõ sự tách biệt giữa bên trong và bên ngoài hang động, nơi đây bóng tối bao phủ và chỉ thỉnh thoảng nhận được vài tia sáng le lói xuyên qua những khe đá nứt; không khí ẩm thấp và lạnh lạnh lại gợi nên chút gì đó hơi đáng sợ, ma mị. Thêm vào đó bạn sẽ được lắng nghe tiếng những giọt nước len lỏi từ phía trên nhỏ xuống vỡ tan khi chạm mặt đất tạo nên một thứ âm thanh đặc biệt trong không gian tĩnh mịch của hang động tạo thêm sự kỳ bí và hấp dẫn cho cuộc hành trình. Tại hang động nhiệt độ khá ổn định khoảng 24 độ, khí hậu mát mẻ vô cùng. Hầu như thời điểm nào đến đây cũng được cả. Mùa xuân, hè là thời điểm Chư Bluk đẹp nhất, lúc này thảm thực vật xanh tốt, ít mưa, nắng đẹp nên đường đi sẽ dễ dàng và cũng là lúc bạn sẽ mang về cho mình nhiều bức ảnh đẹp nhất.

Nếu như bạn muốn đến Đắk Nông để có thể tham gia các lễ hội thì có thể đến vào dịp đầu xuân, lúc này có khá nhiều lễ hội diễn ra như lễ chúc thọ, lễ cúng lúa mới, lễ Tâm Nghết, lễ hội cồng chiêng... tất cả đều rất hấp dẫn và đậm nét văn hoá người bản xứ.

Đến du lịch Đắk Nông, bạn nên đến với hang Chư Bluk để trải nghiệm cảm giác mạo hiểm, khám phá những điều bí ẩn mà thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất Tây Nguyên này. Chắc chắn, hành trình trải nghiệm tại núi lửa Chư Bluk sẽ khiến bạn trầm trồ bởi vẻ đẹp độc đáo của thiên nhiên hoang sơ nơi đây, tìm lại những giây phút bình yên và tạo nên nhiều kỷ niệm đáng nhớ.

Trường nuôi dạy trẻ mồ côi - Maison Chance

Địa chỉ: 19A, Đ. Số 1, Kp 9, P. Bình Hưng Hoà A Q. Bình Tân, Tp. Hồ Chí Minh, Việt Nam

Hotline : 090 906 2528

Web site nhà nghỉ Đắk Nông Nhà May Mắn : https://maison-chance.org/shop